Publisher Theme
I’m a gamer, always have been.

Hoàng Hậu Nam Phương và nguồn gốc xuất thân

4

Các khảo cứu mới cho thấy Hoàng hậu Nam Phương không phải là người gốc Gò Công mà là xuất thân từ Sài Gòn

Tóm tắt:

* Hoàng hậu Nam Phương tên thật là Jeanne Mariette Nguyễn Thị Lan, không phải “Nguyễn Hữu Thị Lan” như sách báo viết bấy lâu nay.

* Jeanne Mariette Nguyễn Thị Lan sanh ra tại Sài Gòn vào ngày 14/11/1913, chứ không phải ở Gò Công (Tiền Giang) như sách sử viết.

* Thân phụ của Jeanne Mariette Nguyễn Thị Lan là ông Nguyễn Hữu Hào không phải là một đại điền chủ như sách sử viết, mà chỉ là một giáo viên. Ông sanh ra ở khu gần Cầu Kho (Sài Gòn), chứ không phải ở Gò Công (Tiền Giang).

* Ông ngoại của Hoàng hậu Nam Phương là ông Lê Phát Đạt không có dòng họ gì với thánh tử đạo Lê Văn Gẫm; thật ra, ông Nguyễn Hữu Hào mới thuộc dòng họ Lê Văn Gẫm ở Gò Công (Thủ Đức).

Đây là một cuốn sách hay mà tôi muốn giới thiệu đến các bạn. Như nhan đề của cuốn sách gợi ý, “Theo dấu Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại” , hai tác giả Vĩnh Đào và Nguyễn Thị Thanh Thuý đã dẫn chúng ta quay ngược thời gian để tìm hiểu về xuất thân của Hoàng hậu Nam Phương, vị hoàng hậu cuối cùng của Việt Nam.

Chúng ta đã quá quen thuộc với những thông tin từ sách sử về Hoàng hậu Nam Phương: bà tên thật là Nguyễn Hữu Thị Lan, sanh ra ở Gò Công, tỉnh Tiền Giang, vào năm 1914. Sách sử và sách khảo cứu còn cho biết thân phụ bà là ông Nguyễn Hữu Hào, một đại điền chủ với ruộng đất rải rác khắp các tỉnh Nam Kì.

Trong sách “Nam Phương – Hoàng Hậu cuối cùng” (Saigon Books & Nxb Thế giới 2017, tr 31), tác giả viết: Hoàng hậu Nam Phương “sinh ra tại Gò Công (nay thuộc thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang) vào ngày 4/12/1914”. Trong sách “Hoàng hậu Nam Phương qua một số tư liệu chưa công bố”, tác giả Phạm Hy Tùng viết: “Bà sinh năm 1913 tại Gò Công, Tiền Giang, trong một gia đình cả hai bên dòng họ nội ngoại đều là những đại điền chủ giàu có bậc nhất xứ Nam Kỳ vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.”

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia chép về Hoàng hậu Nam Phương như sau [2]: “Bà tên thật là Nguyễn Hữu Thị Lan, sinh ngày 14/12/1914, tại Gò Công, tỉnh Tiền Giang, trong một gia đình giàu có vào bậc nhất Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XX. Mặc dù quê ở Tiền Giang.”

Thế nhưng, hai tác giả Vĩnh Đào và Nguyễn Thị Thanh Thuý, trong cuốn sách mới nhứt, đã chứng minh rằng những thông tin trên là … sai. Họ chứng minh một cách thuyết phục.

Hai tác giả đã đi về Gò Công (Tiền Giang) để tìm hiểu về gia thế của ông Nguyễn Hữu Hào. Họ đi tìm các tài liệu trong thư mục Công giáo ở Việt Nam và Pháp, sổ rửa tội, giấy chứng tử, và giấy khai sanh của Hoàng hậu Nam Phương và gia đình bà để xác nhận thông tin. Qua đối chiếu và so sánh các tài liệu trên, tác giả đi đến kết luận:

  1. Ông Nguyễn Hữu Hào, thân phụ của Hoàng hậu Nam Phương, không phải là người gốc Gò Công (Tiền Giang) và cũng không phải là một đại điền chủ.

Tác giả chứng minh rằng ông Nguyễn Hữu Hào sanh ra ở Tân Hoà (khu vực gần Cầu Kho, Sài Gòn) vào ngày 23/12/1866. Ông là con út trong một gia đình gồm 7 người con, do đó ông còn được gọi là ‘Ông Tám’.

Gia đình ông rất nghèo, chứ không phải là đại điền chủ như sách sử mô tả. Ông theo học tại Tiểu Chủng Viện Sài Gòn, và được đánh giá là một học sinh ham học và cần mẫn.

Qua sự giới thiệu của Tổng Gíam mục Lucien-Émile Mossard, ông Nguyễn Hữu Hào được nhận vào làm thơ kí cho đại điền chủ Lê Phát Đạt (1841 – 1900), tên thật là Lê Nhứt Sĩ, và còn được biết đến là ‘Huyện Sĩ’.

Ông Lê Phát Đạt là người gốc Tân An (Long An), rất giàu có thời đó. Ông từng theo học trường dòng ở Penang (Mã Lai Á), thông thạo tiếng Latin, tiếng Pháp, và chữ Quốc ngữ. Sau khi về nước, ông được tuyển làm thông ngôn, rồi từ 1880 làm uỷ viên Hội đồng Quản hạt Nam Kì. Ông được bổ nhiệm làm việc trong huyện (do đó, có biệt danh ‘Huyện Sĩ’, không phải ‘Huyện Sỹ’). Ông dùng tiền lương mua đất hoang, và may mắn trúng mùa, nên ông trở nên rất giàu có.

Sau khi trở thành giàu có, ông bỏ tiền ra mua một thửa đất ở khu Chợ Đũi để xây nhà thờ. Đây là khu đất ở góc đường Frère Louis (nay là đường Nguyễn Trãi) và Frère Guilleraut (nay là đường Tôn Thất Tùng). Nhà thờ được khởi công xây vào năm 1902, và hoàn tất vào năm 1905. Nhà thờ có tên là “Thánh Đường Philípphê (họ Chợ Đũi)”, là tên thánh của ông Lê Phát Đạt. Sau này, nhà thờ hay được biết đến là ‘Nhà thờ Huyện Sĩ’.

Trong thời gian làm cho ông chủ Lê Phát Đạt / Huyện Sĩ, chàng thanh niên Nguyễn Hữu Hào gặp người con gái thứ sáu của ông Huyện Sĩ là Marie Lê Thị Bình, và hai người thương nhau. Nguyễn Hữu Hào và Lê Thị Bình thành hôn tại Sài Gòn vào năm 1902. Ông bà Nguyễn Hữu Hào và Lê Thị Bình sanh ra hai người con:

* Marie Agnes Nguyễn Thị Hương, sanh năm 1903, sau này thành hôn với Bá Tước Didelot.

* Jeanne Mariette Nguyễn Thị Lan, sanh năm 1913, sau này thành hôn với Vua Bảo Đại và được tấn phong Hoàng hậu Nam Phương.

  1. Hoàng hậu Nam Phương, tên khai sanh là Jeanne Mariette Nguyễn Thị Lan, không phải sanh ra ở Gò Công, mà là ở Sài Gòn.

Giấy khai sanh của Toà Đốc lí Thành phố Sài Gòn ghi rằng: “Jeanne Mariette Nguyễn Thị Lan sanh ngày 14/11/1913 lúc 5 giờ 15 phút chiều tại số 1 đường Rousseau, giới tính nữ, con của Pierre Nguyễn Hữu Hào, 43 tuổi, nghiệp chủ, công dân Pháp nhập tịch, và vợ là Marie Lê Thị Bình, 34 tuổi, không nghề, cư ngụ tại Sài Gòn, 39 đường Taberd”.

Tại sao sách sử ghi bà sanh năm 1914? Ngày sanh của hoàng hậu theo âm lịch là 17/10, tương đương với dương lịch 4/12. Do đó, dẫn đến sự nhầm lẫn về ngày sanh của bà. Thực tế, bà sanh ngày 17/10/1913 âm lịch, nhằm ngày 14/11/1913. Tác giả cho rằng vì bà sanh cùng năm với Vua Bảo Đại, nên triều đình Nhà Nguyễn đã làm cho bà nhỏ hơn vua một tuổi!

  1. Tại sao có thông tin Hoàng hậu Nam Phương là người gốc Gò Công?

Hoá ra, thời đó (đầu thế kỉ 20) có hai địa danh Gò Công: một Gò Công ở Thủ Đức, và một Gò Công ở Tiền Giang (xưa là tỉnh Định Tường).

Ông Nguyễn Hữu Hào là người thuộc dòng dõi của Thánh tử đạo Mathieu Lê Văn Gẫm, người gốc Gò Công ở Thủ Đức. Cụ thể hơn, bà nội của ông Hào, thường gọi là ‘Bà Tám’ (vì thứ tám trong nhà), là em gái bà Nguyễn Thị Nhiệm, thân mẫu của Thánh Lê Văn Gẫm. Do đó, ông Nguyễn Hữu Hào có bà con xa với Thánh Lê Văn Gẫm (sanh năm 1813).

Gia đình thánh Lê Văn Gẫm làm nghề buôn bán ở Gò Công (Thủ Đức). Qua nhiều lần cải cách hành chánh, địa danh Gò Công ở Thủ Đức không còn nữa, nhưng người địa phương vẫn còn ghi nhận địa danh này thuộc phường Long Thạnh Mỹ. Ngày nay, vẫn còn Nhà thờ Thánh Gẫm thuộc ‘Họ đạo Gò Công’ ở Thủ Đức.

Do đó, câu chuyện Hoàng hậu Nam Phương quê ở Gò Công có lẽ xuất phát từ sự lẫn lộn giữa Gò Công (Thủ Đức) và Gò Công (Tiền Giang).

***

Cuốn sách này đã giúp xua tan màn sương mờ ảo bao quanh thân thế của Hoàng hậu Nam Phương. Khác với những dòng sử sách từng kể, bà không xuất thân từ một gia đình đại điền chủ quyền uy. Thay vào đó, bà chào đời trong một mái ấm giản dị, với thân phụ, ông Nguyễn Hữu Hào, là một nhà giáo tại trường Taberd, sau trở thành thơ kí cho nhạc phụ mình, đại điền chủ Lê Phát Đạt.

Ông Lê Phát Đạt, một nhân vật lẫy lừng thời bấy giờ, có lẽ đã dang tay nâng đỡ để gia đình con rể được sống trong nhung lụa. Biệt thự sang trọng bên đường Taberd ở Sài Gòn là minh chứng cho cuộc sống sung túc ấy. Khi con gái ông, Jeanne Mariette Nguyễn Thị Lan, trở thành Hoàng hậu của Vua Bảo Đại, ông được tôn vinh làm Quốc trượng. Song, ông vẫn chọn một lối sống thanh tao, khiêm nhường, ít giao du với giới quan chức. Chỉ hai tuần trước khi từ giã cõi đời vào ngày 13/9/1937, Vua Bảo Đại đã sắc phong cho ông tước vị Long Mỹ Quận Công. Khi ông qua đời, gia đình đã chọn một mảnh đất thơ mộng bên dòng thác Cam Ly ở Đà Lạt để xây lăng, như một nơi an nghỉ vĩnh hằng giữa thiên nhiên hùng vĩ.

Ngày nay, tại tỉnh Tiền Giang, có quĩ đường cho Thị xã Gò Công và tên “Nam Phương Hoàng hậu – Nguyễn Hữu Thị Lan” [3] nằm trong danh sách như một lời nhắc nhở về dấu ấn của bà. Tuy nhiên, cuốn sách mới này đã khéo léo gỡ bỏ những lầm lẫn dai dẳng giữa hai địa danh Gò Công ở Tiền Giang và Gò Công ở Thủ Đức. Quan trọng hơn, tác giả đã khẳng định rõ ràng rằng Hoàng hậu Nam Phương được sanh ra tại Sài Gòn, chứ không phải Gò Công như nhiều người từng nghĩ.

“Theo dấu Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại” là một tác phẩm hay, cuốn hút từ nội dung đến cách trình bày. Không chỉ khắc họa thân thế và cội nguồn của Hoàng hậu Nam Phương, cuốn sách còn là một hành trình đầy cảm xúc, đưa người đọc ngược dòng thời gian: từ những ngày bà chào đời, được gởi gắm theo học tại ngôi trường danh giá nhứt của Pháp – Couvent des Oiseaux, đến giây phút nên duyên cùng Vua Bảo Đại, những năm tháng đảm nhận vai trò Hoàng hậu, và cuối cùng là quãng đời lưu vong nơi đất khách quê người.

Cuốn sách còn mở ra một cánh cửa nhìn vào cuộc đời vị vua cuối cùng của Việt Nam, đặc biệt là trong thập niên 1940 đầy biến động, khi mâu thuẫn giữa thực dân Pháp và Nhật Bản đẩy lịch sử vào những ngã rẽ nghiệt ngã. Ngày 11/3/1945, Vua Bảo Đại công bố Tuyên cáo Đế quốc Việt Nam độc lập, tuyên bố khôi phục chủ quyền và hủy bỏ hiệp ước bảo hộ với Pháp. Chỉ một tháng sau, ngày 17/4/1945, một chánh phủ mới ra đời dưới sự dẫn dắt của Thủ tướng Trần Trọng Kim, qui tụ những trí thức lỗi lạc như Hoàng Xuân Hãn, Trần Văn Chương và Trịnh Đình Thảo.

Nhưng chánh phủ đó chỉ như một ánh sao băng, vụt sáng rồi tắt lịm khi Việt Minh cướp chánh quyền và tuyên bố độc lập vào ngày 2/9/1945. Sau khi thoái vị vào ngày 30/8/1945, Vua Bảo Đại từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời làm Cố vấn cho chánh phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong một thời gian ngắn.

Trong những ngày tháng hỗn loạn đó, tại Huế, Hoàng hậu Nam Phương cùng các con phải tìm nơi ẩn náu trong một tu viện thuộc Dòng Chúa Cứu Thế (do các giáo sĩ Gia Nã Đại thành lập vào năm 1928). Đến ngày 12/4/1947, bà và các con được đưa đến Đà Lạt, tạm trú trong biệt thự của thân phụ Nguyễn Hữu Hào. Ngày 2/11/1947, bà cùng các con lên chuyến bay từ Hồng Kông sang Pháp, mở đầu cho hành trình lưu vong đầy cay đắng.

Hoàng hậu Nam Phương mất ngày 15/9/1963. Người đứng ra làm giấy chứng tử cho bà là Thái tử Bảo Long, khi ấy mới 27 tuổi. Bản sao giấy khai tử ghi rõ bà là Jeanne Mariette Nguyễn Thị Lan, sanh ngày 14/11/1913, trùng khớp với giấy khai sanh tại Sài Gòn, như một lời xác tín cuối cùng về cội nguồn của bà.

Hai tác giả của cuốn sách này quả là những cây bút tài hoa. Từ lời tựa tựa như một bức tranh thu nhỏ, đến những chương sách đầy chứng cớ rõ ràng, và cái kết bằng một chương “Những năm buồn tẻ của cựu hoàng” khiến lòng người đọc không khỏi xót xa. Dù có tài liệu tham khảo phong phú, cuốn sách vẫn thiếu một danh mục chỉ dẫn, điều mà nếu có, sẽ giúp người đọc dễ dàng tra cứu hơn. Tuy nhiên, tôi say mê cách trình bày logic, lối viết văn trong sáng, giản dị mà cuốn hút của tác giả. Từ trang đầu đến trang cuối, tôi như bị cuốn vào một dòng sử đầy những thăng trầm, và tôi tin rằng bất kì ai cầm cuốn sách này cũng sẽ cảm nhận như tôi. Đây là một cuốn sách xứng đáng ngự trên kệ sách của những tâm hồn say mê lịch sử Việt Nam, và tôi vinh hạnh được giới thiệu nó đến các bạn.

Nguyễn Tuấn

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.

lorain duval fucked on the pool table.check my reference free porn tube
swinger show young couples blowjob orgy cosplay.anal sex